Âu Cơ Là Con Gái Của Ai - Quốc Mẫu Âu Cơ Có Phải Nàng Tiên Giáng Trần
Bất ngờ bên bờ sông, hiện ra một chàng trai tuấn tú, tướng mạo khác thường… Hai người chào hỏi nhau rồi chuyện trò vui vẻ xem ra tâm đầu ý hợp. Họ đi dạo bên bờ sông xanh, giữa nương dâu ngút mắt, từ sáng đến trưa, từ trưa đến tối, quên cả ăn cả uống… Người con trai có tướng mạo phi thường đó chính là Lạc Long Quân - vua của nước Văn Lang. Nhà vua đi tuần thú khai Xuân trông thấy tiên sa, mới dừng lại chờ đợi. Khi đầu mày cuối mắt đều ưa, Long Quân mới ngỏ lời cầu hôn nàng Âu Cơ. Nàng nói: “Chàng là giống Rồng, thiếp là nòi Tiên, thủy hỏa tương khắc, lấy nhau thế nào được”.
Bạn đang xem: Âu cơ là con gái của ai
Long Quân liền nói: “Ta biết, thủy hỏa tương khắc đấy, nhưng âm dương vẫn hòa hợp. Tuy không được ở với nhau lâu dài nhưng duyên trời một khắc ấy là trăm năm…”.
“Nếu sau một thời gian ngắn sống với chàng thiếp lại về trời… thế là được” – Âu Cơ ưng thuận.
Long Quân đưa nàng Âu Cơ về núi Nghĩa Lĩnh. “Đúng ba năm, ba tháng mười ngày vào giờ Ngọ ngày 25 tháng Chạp Mậu Tý, mây lành bao phủ, tướng lạ hiện tiền, hào quang sáng chói khắp phòng, hương thơm ngào ngạt cả vùng, Âu Cơ trở dạ sinh ra 100 quả trứng ngọc.
“Đúng giờ Ngọ, 15 tháng Chạp Ất Sửu, bào thai nở thành 100 trứng nở thành 100 con trai, lúc ấy hào quang rực rỡ, hương thơm sực nức đầy nhà. Trong có một tháng không cần bú mớm mà đã lớn khôn, tướng mạo khác thường, tinh thần lẫm liệt, cái thế anh hùng, cao to 3 thước, 7 tấc…". (Trích Ngọc ngả Đền Hùng).
Lại theo truyền thuyết, khi các con đã khôn lớn, Long Quân bảo: Bây giờ là lúc Tiên Rồng chúng ta phải chia tay, ta về miền biển còn nàng lên núi, mỗi người đem theo một nửa số con, phong cho Lân Lang là con cả ở lại làm vua.
Âu Cơ dẫn 50 con ngược sông Thao đến Trang Hiền Lương, thấy một vùng đất sơn thủy hữu tình, chẳng khác gì tiên cảnh. Âu Cơ dừng lại, chọn Trang Hiền Lương làm nơi lập ấp sinh sống, và sai các con đi tiếp khai khẩn các vùng đất xa xôi…
Mẫu Âu Cơ dạy dân cấy lúa, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải, bắc cầu qua khe suối, đào giếng Loan, giếng Phượng lấy nước sạch ăn uống. Khi vùng đất Hiền Lương trở nên trù phú, các con đi khai khẩn những vùng đất mới, vượt qua mọi núi non hiểm trở để tạo dựng cơ nghiệp cho muôn đời, mẫu Âu Cơ mới quyết định bay về trời. Vào lúc nửa đêm ngày 25 tháng Chạp, mưa to gió lớn mù mịt đất trời, Mẫu Âu Cơ đằng vân. Vì không muốn các con biết mình rời hạ giới, Mẫu vội vàng đến nỗi đánh rơi dải yếm, vướng vào ngọn đa cổ thụ cạnh giếng Loan, giếng Phượng.
Sáng hôm sau trời quang, mây tạnh, dân Trang Hiền Lương không thấy Mẫu, mọi người lo lắng bổ đi tìm. Gần trưa có người nhìn lên ngọn đa thấy có dải yếm đào vắt ngang mới biết Mẫu đã về trời. Dân lập đền thờ Mẫu ngay dưới tán đa, định lễ cầu cúng một năm hai lần vào ngày Tiên Giáng mồng 7 tháng Giêng và ngày Tiên thăng 25 tháng Chạp.
Nhớ lần đến khu đền Mẫu Âu Cơ, tôi cùng thạc sĩ Đặng Đình Vương và chị Đào Thị Nhạn, những người bỏ nhiều công sức cho khu di tích. Phía trước mặt chúng tôi là núi Giác giống một chiếc án thư khổng lồ, kỳ vĩ, sau lưng là vòng cung sông Thao tựa thân rồng uốn lượn… Khu đền nằm trên một vạt đồi bằng phẳng, rộng gần 3 héc ta ở giữa xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa. Hiền Lương ở vị trí tận cùng Tây Bắc, tỉnh Phú Thọ, giáp tỉnh Yên Bái, cách thành phố Việt Trì 80 cây số. Từ Thủ đô Hà Nội lên khu đền Mẫu có thể đi đường bộ, đường thủy hoặc đường sắt. Đường bộ đi từ Việt Trì qua cầu Phong Châu sang hữu ngạn sông Thao rồi ngược đường 32C. Đường thủy, xuất phát từ ngã ba Bạch Hạc ngược sông Thao đến bến Hiền Lương. Đường sắt, từ ngã ba Việt Trì xuống ga Đan Thượng hoặc từ thành phố Yên Bái xuôi 20 km sẽ tới.
Đền Mẫu Âu Cơ ẩn dưới tán đa cổ thụ. Cây đa hiện nay do rễ phụ của cây đã cũ tạo nên nhiều gốc trên một diện tích khá rộng. Nhân dân ở đây vẫn cho rằng cây đa có từ thời Mẫu Âu Cơ bốn nghìn năm trước. Bất giác, tôi nhìn lên ngọn đa nơi có yếm đào của Mẫu Âu Cơ trước khi bay về trời còn để lại.
Chúng tôi vào dâng hương…
Đền Quốc Mẫu Âu Cơ xưa kia chỉ thờ một mình Mẫu. Có pho tượng Mẫu bằng gỗ quý cao 93 cm ngồi trên long ngai, hai tay tì lên đầu gối, mặc áo đại trào, đầu đội mũ miện, chân đi hài cong.
Theo sử sách, đời vua Lê Thánh Tông, năm thứ 6 niên hiệu Quang Thuận (Tây lịch 1465) sai quan lễ bộ tri bảng thần Nguyễn Hiền sao lại bản sự tích Mẫu Âu Cơ để truyền lại. Bản sự tích nói rằng hoàng đế thời đó sai giám quan quốc sư viết sắc phong thần và đến trang ấp Trang Hiền Lương trao cho phụ lão 30 quan tiền để lập miếu thờ, hương hỏa đời đời…
Lễ hội Quốc Mẫu Âu Cơ một năm diễn ra hai lần. Ngày 7 tháng Giêng là lễ cầu chính, mở hội lớn ba ngày, chuẩn bị trước cả tháng. Dân làng họp để bầu chọn xóm đăng cai (xóm Chợ, xóm gò, xóm Lón). Nếu xóm nào quanh năm hòa thuận, không xảy ra trộm cắp hoặc con cái chửa hoang thì được đăng cai. Xóm lại chọn gia đình nào con hiền thảo, gia đình hòa thuận ấm êm, mới được đăng cai.
Có một điều thật thú vị, phần lễ tế ở đây đều do nữ đảm nhận. Từ năm 1941 đến nay, đội tế gồm 11 cô gái xinh xắn, chưa chồng được phân ra làm các chức việc: Một cô làm chủ tế mặc áo dài đỏ, quần trắng, đi hài, đầu vấn khăn đỏ, quấn đai kim tuyến ở bên ngoài. Hai cô làm bồi tế khăn và áo dài phớt hồng, quần trắng, đi hài. Hai cô làm Đông Tây xướng, một cô làm thông tán đọc chúc văn…
Chúng tôi đi thăm giếng Loan, giếng Phượng, nhà Tả mạc, Hữu mạc, ao sen… quần thể di tích hài hòa, tụ lại nơi đây khí thiêng sông núi. Một khu đất rộng để quan khách đến trồng cây. Mỗi cây gỗ quý được ghi tên một người trồng. Tôi cũng trồng một cây Trắc Bách Diệp. Nhìn những giọt sương mai còn đọng lại trên tán lá tôi lại nhớ tới câu chuyện mà thạc sĩ Đặng Đình Vương kể.
Đặng Đình Vương quê ở đây, từng làm Chủ tịch UBND huyện Hạ Hòa. Anh kể rằng vào những năm 1960 của thế kỷ trước, một sáng mùa Xuân, khói sương còn bảng lảng chưa rõ mặt người, có một cụ bà đi chợ sớm nhìn thấy phía trước có bóng ai to cao lừng lững. Cụ chào, không thấy thưa, hỏi, không nói… Rảo bước đến gần mới nhận ra… Chao ôi! Không phải người! Một cụ gấu. Thế là cả làng náo động. Mõ, trống, thanh la, giáo mác…
Cụ Gấu tỏ ra không sợ hãi. Cụ rảo bước vào đền Mẫu Âu Cơ. Dân làng vẫn không tha, vây kín vòng trong, vòng ngoài. Có kẻ liều lĩnh cầm mác xông vào, bị cụ Gấu tát cho vỡ quai hàm. Những kẻ quá khích hô bắn, bắn. Mấy loạt súng AK nổ vang. Khi cụ Gấu tắt thở, dân làng liền xẻ thịt chia nhau. Nghe nói sau đó, cả làng không yên ổn. Nhiều vụ việc đau lòng xảy ra. Người ta cho rằng cụ Gấu là thánh mẫu hiện hình! Thực hư đến đâu, chuyện kể vẫn chỉ là chuyện kể. Nhưng đằng sau câu chuyện là bao ngụ ý sâu xa. Có một thời ấu trĩ, chúng ta đã phá đền, phá chùa, phá rừng, săn bắn động vật hoang dã một cách tàn bạo làm mất đi sự cân bằng của môi trường sống, xâm phạm vào hồn thiêng sông núi. Hậu quả mà chúng ta phải gánh chịu là nhãn tiền.
Thuở ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã được học Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ, sinh một bọc trứng, nở ra trăm người con, năm mươi người theo cha xuống biển, năm mươi người theo mẹ lên rừng… Chỉ có thế! Mấy chục năm qua, bôn ba khắp đất nước, đi cũng rất nhiều nơi trên thế giới mà bây giờ khi tóc đã pha sương mới đến thắp hương ở Quốc mẫu Âu Cơ. Dù nơi linh thiêng này chỉ cách Hà Nội chưa đến 200 km.
Biển người đổ về giỗ tổ Hùng Vương mỗi năm. |
Đến đây, tôi mới hiểu được rất nhiều điều. Con người sống ở đâu cũng vậy, phải biết đâu là nguồn cội, đâu là tổ tông. Như cây có cội, như sông có nguồn. Không hiểu được tường tận nguồn cội thì sao có đủ nhân cách để làm người. Thì làm sao có thủy, có chung, có sau có trước. Biết bao bài học quý giá trong nhân dân, trong những câu chuyện kể, trong những truyền thuyết hào hùng mà chúng ta nhiều khi vì miếng cơm manh áo trước mắt, đã bỏ qua.
Khi ngồi viết bài này, tôi đã nhiều lần tự hỏi, những câu hỏi bắt đầu từ sử sách. Đại Việt sử ký toàn thư (thế kỷ 15) ghi Lạc Long Quân tên húy là Sùng Lãm, con của Kim Dương Vương. Vua lấy con gái của Đế Lai là Âu Cơ, sinh ra trăm con trai (tục truyền sinh trăm trứng) là tổ của Bách Việt. Một hôm, vua bảo Âu Cơ rằng: “Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, thủy hỏa khắc nhau chung hợp khó”, bèn từ biệt chia nhau 50 con theo mẹ về núi, 50 con theo cha về miền Nam (có sách chép là Nam Hải), phong con trưởng là Hùng Vương nối ngôi vua (Ngọc phả quyển 1).
Trong sách Khâm địch Việt sử thông giám cương mục thế kỷ 19 lại ghi Hùng Vương dựng nước gọi là Văn Lang. Kinh Dương Vương sinh con là Sùng Lãm, gọi là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy Âu Cơ sinh trăm con trai. Ấy là tổ tiên của Bách Việt. Long Quân và Âu Cơ suy tôn con trưởng Hùng Vương nối ngôi vua, dựng nước gọi là Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu truyền ngôi 18 đời gọi là Hùng Vương.
Sử sách ghi Âu Cơ là con của Đế Lai, nhưng truyền thuyết lại kể Âu Cơ là một nàng tiên giáng trần. Âu Cơ là nàng tiên, khi dựng xong cơ nghiệp ắt nàng tiên phải đằng vân, để lại ánh hào quang muôn thuở. Cũng như Thánh Gióng, đánh xong giặc Ân không đòi hưởng vinh hoa phú quý đã vội cởi áo giáp bay về trời. Bao truyền thuyết đẹp đẽ ấy nhắc nhở chúng ta điều gì?
Câu chuyện Lạc Long Quân và Âu Cơ theo truyền thuyết là một câu chuyện tình đẹp đẽ tưởng như hiển hiện từ nghìn đời nay. Câu chuyện không những cho chúng ta hiểu thêm về nguồn gốc tổ tiên với dòng giống Tiên Rồng, hiểu thêm về Quốc mẫu, về cội nguồn của mọi cội nguồn để người dân nước Việt dù ở đâu cũng là anh em, cũng bắt đầu từ một bọc trứng, từ một người mẹ vĩ đại – Âu Cơ. Câu chuyện còn nói về sự hòa hợp giữa con người với thiên nhiên – bà mẹ thiên nhiên vĩ đại – mà chúng ta luôn tôn thờ, gìn giữ.
(PLVN) -Trong tiềm thức của người Việt Nam, Mẹ Âu Cơ, con cháu “Bà Trưng, Bà Triệu” và tục thờ mẫu dường như đi vào tiềm thức mỗi người. Ở đó, ẩn chứa tinh thần bất khuất và sự dịu dàng của phụ nữ Việt từ ngàn xưa và mãi mãi cùng thời gian…Người Mẹ của người Việt - Mẹ Âu Cơ
Phụ nữ Việt Nam vốn cháu con Quốc Mẫu Âu Cơ, dòng dõi tiên nên nhu mì, thùy mị được tiếng là đẹp, rất đẹp, nhất là trong tà áo dài tha thướt với vành nón lá che nghiêng nghiêng mái tóc xõa bờ vai…
Trong tâm thức của mỗi người con đất Việt, Cha Lạc Long Quân và Mẹ Âu Cơ là khởi nguồn của người Việt. Theo truyền thuyết: Mẹ Âu Cơ vốn là con gái của Đế Lai ở động Lăng Xương (xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy ngày nay). Khi Âu Cơ cất tiếng khóc chào đời thì hương thơm tỏa ngát, trên trời có mây lành che chở, điềm báo “Tiên nữ giáng trần”.
Xem thêm: Nữ sát thủ xinh đẹp 2016 - nữ sát thủ xinh đẹp full bộ
Âu Cơ được Lạc Long Quân kén làm vợ và đưa về núi Nghĩa Lĩnh, sau đó sinh ra bọc trăm trứng nở ra một trăm người con trai tại khu vực Đền Hạ (Đền Hùng ngày nay). Khi các con lớn khôn, Lạc Long Quân nói với Âu Cơ: “Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên duyên phận đến đây đã hết”. Rồi Lạc Long Quân đưa 50 người con về miền biển làm nghề chài lưới, Âu Cơ đưa 49 người con lên núi khai phá rừng hoang, để lại người con trưởng làm vua, 18 chi đời đều gọi là Hùng Vương”.
Từ huyền thoại ấy, bao đời nay, hình tượng Cha Rồng, Mẹ Tiên đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân Việt Nam, trở thành biểu tượng thiêng liêng về giống nòi của dân tộc mình. Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ gắn liền với sự tri ân công đức người Mẹ của muôn dân - Mẹ Âu Cơ, người đã đưa đàn con đi khai thiên phá thạch, mở mang sơn trang, bờ cõi.
Trong huyền tích, hình ảnh Mẹ Âu Cơ như bao người mẹ Việt khác, bình dị, đảm đang, chịu thương, chịu khó và rất mực yêu thương các con. Sau khi đưa các con lên núi, Mẹ Âu Cơ dạy muôn dân trồng lúa nước, nuôi tằm, dệt vải, đánh bắt cá, hái lượm… Bởi vậy, hình tượng Mẫu Âu Cơ luôn gắn với nền văn minh nông nghiệp, là người Mẹ xứ sở.
Tưởng nhớ công lao của Mẹ Âu Cơ, đồng thời để bảo tồn, phát huy tín ngưỡng thờ Mẫu đặc biệt là tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, tháng 9/2001, Đền Tổ Mẫu Âu Cơ được khởi công xây dựng trong khuôn viên Khu Di tích và khánh thành vào tháng 1/2005. Kiến trúc đền theo kiểu chữ Đinh, quay theo hướng Đông Nam.
Tuy được xây dựng trong thế kỷ XXI nhưng đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ vẫn mang đậm nét truyền thống, mái cong hình thuyền, các cột cái, khung, sườn, mái, vách ngăn, đều được làm bằng gỗ lim, mái lợp ngói mũi hài, tường xây gạch Bát Tràng. Các họa tiết trang trí được mô phỏng theo các hoa văn trên trống đồng Đông Sơn như hình ảnh người giã gạo, hình ảnh chim Lạc, nhà sàn, con thuyền...
Trong hậu cung, là nơi đặt khám thờ có tượng Mẹ Âu Cơ được đúc bằng chất liệu đồng, dát vàng bên ngoài. Tượng là sự kết tinh và hội tụ những nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam: Hiền dịu, phúc hậu, đoan trang, cùng với tâm thế bình dị, ung dung.
Hàng năm, vào các ngày lễ chính: Ngày Mẫu thăng (ngày 25 tháng Chạp); Mẫu giáng (mùng 7 tháng Giêng); ngày giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân (6/3 âm lịch) tại Đền Tổ Mẫu Âu Cơ, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng đều tổ chức lễ tiệc long trọng. Theo nghi thức truyền thống, lễ vật thường có: Bánh chưng, bánh giằng, thủ lợn, ván xôi, trầu têm cánh phượng, hoa ngũ sắc...
Muôn đời “con cháu Bà Trưng, Bà Triệu”
Những năm đầu công nguyên, Cổ Loa với vị thế là một kinh đô cổ của đất nước đã sớm trở thành một trung tâm của các cuộc nổi dậy, đấu tranh giành độc lập của nhân dân, trong đó tiêu biểu nhất là cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng.
Hai chị em Bà Trưng là Trưng Trắc và Trưng Nhị, quê quán làng Cổ Lai, đất Mê Linh. Lúc ấy nước nhà đang bị người Hán phương Bắc cai trị bằng chính sách hà khắc khiến dân ta vô cùng khốn khổ. Rồi vào năm 40, sau Tây Lịch, Thái Thú Tô Định lại bắt giết ông Thi Sách, chồng Bà Trưng Trắc làm cho nợ nước chồng chất thêm thù nhà.
Thiêng liêng nghi lễ tế nữ quan trong Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ |
Bà Trưng Trắc cùng em là Bà Trưng Nhị đứng lên chiêu tập binh mã, anh hùng hào kiệt khắp nơi để đánh đuổi quân xâm lăng bạo tàn. Quân binh của Hai Bà chiến đấu rất dũng mãnh, chiếm được 65 thành, đánh đuổi quân Tô Định chạy về nước.
Sau khi đánh đuổi được quân xâm lăng ra khỏi bờ cõi, dân chúng tôn Bà Trưng Trắc lên làm Nữ Vương, đóng đô ở Mê Linh. Đến năm 42, Vua Quang Vũ nhà Đông Hán sai Mã Viện kéo quân qua phục thù. Trước địch quân hùng hậu, quân ta chống cự không lại nên Hai Bà đã gieo mình xuống dòng Hát Giang tuẫn tiết. Không có hình ảnh nào vừa hào hùng, vừa lãng mạn cho bằng hình ảnh của hai vị liệt nữ anh hùng gieo mình xuống dòng nước trả nợ núi sông và để lại gương “Thiên thu thanh sử hữu anh thư”.
Hai Bà Trưng làm vua được 3 năm, từ năm 40 đến năm 43. Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca đã ghi lại công nghiệp của Hai Bà bằng những vần ca dao lịch sử:
Bà Trưng quê ở Châu Phong/Giận người tham bạo, thù chồng chẳng quên/Chị em nặng một lời nguyền/Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân/Ngàn Tây nổi áng phong trần/Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên/ Hồng quần nhẹ bước chinh yên/ Đuổi ngay Tô Định, dẹp yên biên thành.
Sau cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng chống ách đô hộ nhà Hán, hơn hai trăm năm sau, vào thế kỷ thứ II, có một người phụ nữ không chịu cam tâm cúi đầu làm nô lệ phương Bắc mà chỉ huy nghĩa quân đánh đuổi giặc Ngô. Người phụ nữ anh hùng đó là Triệu Thị Trinh.
Triệu Thị Trinh (còn có những tên gọi khác như Triệu Trinh Nương, Nàng Trinh hoặc là Bà Triệu) sinh ngày 2 tháng 10 nǎm 226 (Bính Ngọ) tại vùng núi Nưa thuộc đất Trung Sơn, quận Cửu Chân (nay thuộc huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa), trong một gia đình hào trưởng. Bà Triệu mất năm 248, lúc mới 22 tuổi.
Đền thờ Bà hiện nằm trên đỉnh núi Tùng thuộc thôn Phú Điền, nay là xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, là di tích lịch sử quan trọng của quốc gia như một bằng chứng về niềm tự hào và tôn vinh người phụ nữ liệt oanh của dân tộc Việt Nam.
Bấy giờ nước ta nội thuộc nhà Ngô. Khi Bà Triệu bước vào tuổi thanh xuân thì cuộc hỗn chiến Tam Quốc (Ngô, Thục và Ngụy) cũng đang hồi quyết liệt nhất. Từ đất quê hương của mình, năm 248, Triệu Quốc Đạt, anh trai Triệu Thị Trinh đã đứng lên tập hợp lực lượng khởi nghĩa. Triệu Quốc Đạt không muốn em gái mới 19 tuổi của mình tham gia, bèn khuyên em ở nhà lấy chồng.
Bà Triệu cứng cỏi đáp: “Em muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp ngọn sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông chứ không chịu khom lưng làm tỳ thiếp người”. Câu trả lời ấy đã thể hiện một khí phách anh hùng, một nhân cách ngạo nghễ hiếm có ở một người con gái.
Triệu Thị Trinh đã cùng anh tập hợp nghĩa quân trên núi Nưa rồi kéo quân đánh hãm thành ấp khiến châu quận rối động. Quan quân đô hộ nhiều lần tìm cách đánh dẹp nhưng không dẹp nổi. Ra trận Bà cưỡi voi mặc giáp vàng trông rất oai phong làm quân Ngô khiếp sợ. Nghĩa binh tôn Bà là Nhụy Kiều Tướng Quân. Đúng lúc nghĩa quân đang hừng hực khí thế thì Triệu Quốc Đạt bất ngờ qua đời.
Không để quân sĩ mất tinh thần, Triệu Thị Trinh thay anh tiếp tục ngồi trên đầu voi chỉ huy nghĩa quân. Từ đó Bà được quân sĩ tôn gọi là Vua Bà. Và trái với ghi chép của thư tịch cổ, chân dung Bà Triệu trong tình cảm nồng hậu của các thế hệ dân gian. Theo đó, bà có một vẻ đẹp rất thánh thiện mà cũng thật đoan trang, rất thuỳ mị với mọi người nhưng cũng rất dũng mãnh với kẻ thù.
Tên tuổi và sự nghiệp của Bà Triệu đã trở nên bất diệt với “vạn cổ thử giang sơn” (muôn đời sông núi này) (Chữ của Trần Quang Khải trong bài cảm khái ông viết sau trận đại thắng quân Mông Nguyên xâm lược nước ta lần thứ hai (1285) và mãi mãi toả sáng trong sử sách cũng như trong ký ức của các thế hệ nhân dân yêu nước:
Bà Trưng, Bà Triệu là những bậc nữ lưu anh hùng đầu tiên trong lịch sử thế giới nổi lên sớm nhất chống ngoại xâm giành độc lập cho dân tộc. Thật xứng đáng:
“Phấn son tô điểm sơn hà/Làm cho tỏ mặt đàn bà Việt Nam!”.
Và Thánh mẫu Liễu Hạnh
Trong tiềm thức của người Việt Nam, Thánh Mẫu Liễu Hạnh là một vị thần biểu tượng cho khát vọng tự do, phóng khoáng, thoát khỏi những quy tắc ràng buộc của xã hội dành cho người phụ nữ. Bà đã được các triều đại phong kiến từ thời nhà Hậu Lê đến thời nhà Nguyễn cấp nhiều sắc, tôn phong là “Mẫu nghi thiên hạ - Mẹ của muôn dân” và cuối cùng quy y cửa Phật. Bà còn được cho là người đứng đầu hệ thống Tam phủ, Tứ phủ thờ đạo Mẫu.
Nhiều làng xã và các đô thị ở phía bắc Việt Nam đều có đền thờ bà. Lễ hội Thánh Mẫu Liễu Hạnh hàng năm được tổ chức vào ngày 3 tháng 3 âm lịch - ngày giỗ của bà, tại nhiều tỉnh phía Bắc Việt Nam.